Cảm nhận về buổi tình nguyện tại Viện huyết học truyền máu Trung ương

Buổi chiều thứ 7 vừa qua, tôi đã có một trải nghiệm mới, đó là việc đi làm tình nguyện viên. Thực ra đây không phải lần đầu tôi làm tình nguyện đâu nhưng là lần đầu cùng với các bạn trong lớp. Mục đích chính của lần đi này là để phục vụ cho một chủ đề bài học trên lớp. Nhóm chúng tôi có 8 người, xin được tình nguyện tại khoa Hemophilia của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Đây là khoa điều trị cho các bệnh nhân của căn bệnh máu khó đông...
Xem nhanh

Buổi chiều thứ 7 vừa qua, tôi đã có một trải nghiệm mới, đó là việc đi làm tình nguyện viên. Thực ra đây không phải lần đầu tôi làm tình nguyện đâu nhưng là lần đầu cùng với các bạn trong lớp. Mục đích chính của lần đi này là để phục vụ cho một chủ đề bài học trên lớp. Nhóm chúng tôi có 8 người, xin được tình nguyện tại khoa Hemophilia của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Đây là khoa điều trị cho các bệnh nhân của căn bệnh máu khó đông.

Gọi là tình nguyện, ban đầu tôi thấy có vẻ to tát ghê. Bởi vì, tôi thấy trên báo đài người ta đưa tin rầm rộ, cá nhân này tổ chức kia ủng hộ hàng triệu, hàng trăm triệu cho người khó khăn, bệnh nhân ung thư, v.v… Còn chúng tôi, chỉ là nhóm học sinh, tới viện gửi tặng các bệnh nhân chút quà nhỏ rồi trò chuyện, còn xin chụp ảnh về làm tư liệu nữa. Như thế, liệu bệnh nhân họ có vui không? Chúng tôi tới có giúp được gì cho họ đâu, có khi còn làm mất thời gian cho họ ấy chứ! Thực lòng, trước lúc đi tôi đã nghĩ thế. Tôi đăng kí đi chỉ để cho biết, để được đi cùng các bạn thôi. Tuy nhiên, chỉ sau một buổi chiều, ý nghĩ của tôi đã thay đổi.

Vì chưa đi bao giờ nên mất gần tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được bệnh viện. Khoa Hemo của Viện được thành lập cách đây vài năm cùng sự hỗ trợ trang thiết bị hiện đại của nước ngoài. Các bệnh nhân ở đây có nhiều độ tuổi, từ các bé ba tuổi, sáu tuổi tới các anh, các chú ba bốn mươi tuổi cũng có. Ban đầu, chúng tôi tới còn nhiều ngượng ngập lắm (vì là lần đầu mà), còn giới thiệu sai tên trường mấy lần nữa. Chúng tôi đi từng phòng một, tặng các bệnh nhân những gói quà nhỏ mà chúng tôi đã chuẩn bị sẵn. Cứ nghĩ là sẽ khó bắt chuyện lắm cơ nhưng mà tới rồi làm cũng thấy dễ thôi. Cả 8 đứa chúng tôi chắc đứa nào cũng nghĩ trong đầu vài câu hỏi rồi nên cứ gặp bệnh nhân là hỏi thăm thôi. Thậm chí có lúc còn quên mất mà hỏi trùng câu rồi cứ cười chữa ngượng.

Căn bệnh máu khó đông đều có biểu hiện từ khi người bênh còn nhỏ. Nhưng do trước đây, bệnh này chưa phổ biến, hệ thống y tế chưa phát triển đồng bộ nên có rất nhiều các anh các chú có bệnh mà không biết, mãi sau này mới có thể nhập viện. Còn các em bé vài tuổi thì được phát hiện và điều trị sớm hơn. Nhưng vì các bé rất hiếu động, hay bị va chạm mạnh nên cứ nhập viện thường xuyên do mỗi lần ngã là lại bị sưng, đau tấy khắp nơi. Mẹ của các em bé mà chúng tôi gặp đều chia sẻ rằng đã chăm sóc rất kĩ nhưng vẫn không thể tránh được nên gần như tháng nào cũng nhập viện. Các bé mẫu giáo còn đỡ, các bé đã vào học lớp 1 thì bố mẹ chỉ lo hổng kiến thức rồi không theo kịp các bạn. Còn người lớn thì có thể tự ý thức được và tránh các hoạt động mạnh. Tuy nhiên, bệnh này càng lớn bệnh càng nặng. Các bệnh nhân lớn tuổi ở đây gần như ở Viện cả năm, chỉ có thể về nhà vài ngày Tết thôi. Chúng tôi đã nói chuyện rất lâu ở phòng cuối cùng của anh Quý là một bệnh nhân nằm Viện đã 9 năm rồi. Anh chia sẻ rằng nếu đất nước mình phát triển hơn, có thuốc mang được về nhà như ở nước ngoài thì anh và các bệnh nhân ở đây có thể về nhà nhiều hơn. Nhưng ở đây bệnh này vẫn còn chưa được đầu tư và hỗ trợ nhiều nên bệnh nhân cứ ở Viện quanh năm.

Viện Huyết học có cơ sở rất hiện đại và đi kèm với đó là viện phí cũng cao hơn các bình thường. Cũng may sao có bảo hiểm y tế nên các bệnh nhân giảm được phần nào gánh nặng kinh tế. Không chỉ viện phí, tiền thuốc chi trả cho bệnh này cũng không nhỏ. Anh Quý đưa cho chúng tôi xem lọ thuốc mà anh vẫn dùng hàng ngày. Thuốc ở dạng nước, lọ chỉ cao bằng ngón tay út mà giá tới bốn triệu đồng! Có khi một ngày một người phải dùng tới 2 thậm chí 3 lọ như vậy. Nếu không có bảo hiểm chi trả thì các bệnh nhân không thể nằm viện nổi, giàu cũng thành nghèo vì mắc bệnh này!

Chúng tôi còn nói rất nhiều chuyện với các bệnh nhân – điều mà ban đầu tôi nghĩ thật khó để làm được. Câu chuyện càng về sau càng trở nên tự nhiên hơn, không còn rào cản, ngượng ngập ban đầu nữa. Dần dần tôi hiểu ra rằng, chúng tôi đang làm đúng công việc tình nguyện rồi. Tình nguyện, không phải chỉ là quyên góp một số tiền thật lớn cho người kém may mắn hơn mình, không phải chỉ có mặt kinh tế mà có cả tình nguyện về tinh thần như chúng tôi đang làm đây. Đó là tìm tới những người kém may mắn hơn, nói chuyện cùng họ, lắng nghe những khó khăn của họ trong cuộc sống. Chúng tôi không thể làm bớt gánh nặng tài chính cho họ nhưng có thể thỏa mãn nhu cầu được lắng nghe của họ. Vì ở trong bệnh viện thì toàn là bệnh nhân mà, ai cũng khó khăn như nhau, có những người như chúng tôi tới nói chuyện cùng họ, lắng nghe họ có lẽ cũng là niềm vui cho cả một ngày dài đằng đẵng với thuốc men và bệnh tật của họ rồi. Túi quà của chúng tôi mang tới dù nhỏ thôi nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra những giá trị tinh thần lớn hơn túi quà ấy. Tôi cũng hiểu hơn về việc tình nguyện và tự thấy mình còn rất may mắn, rất đủ đầy so với nhiều người khác trong xã hội. Điều đó làm tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn trong cuộc sống để không thua kém như những người thiếu thốn hơn mình, để sống xứng đáng với những gì mình được hưởng.

Một số hình ảnh về chuyến đi của nhóm HS 11 B chúng tôi tại Viện Huyết học truyền máu trung ương:

                 

                               Trao quà và thăm hỏi các em nhỏ và mẹ của các em

 

                

                                Trao quà và thăm hỏi các em nhỏ và mẹ của các em

 

                

                                              Thăm hỏi và trao quà cho bệnh nhân

 

                

                           Nhóm chúng tôi phân nhau thăm hỏi và trao quà cho bệnh nhân

 

                

                                              Cùng trò chuyện, chia sẻ với các bệnh nhân

 

                

                            Nhóm chúng tôi tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương

                                                                                                 

                                                                                                                                     Phùng Ngọc Linh – 11B