TTO - Đó là những dự án do học sinh Trường THPT Thực nghiệm Hà Nội thực hiện, dưới sự hướng dẫn của nhóm giáo viên toán tin (thuộc tổ tự nhiên), với đại diện là thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Toàn.
Thầy Nguyễn Đức Toàn (bìa phải) trao đổi với học sinh về các dự án mà các em trình bày - Ảnh: Vĩnh Hà |
Đã từng trải qua việc bị bắt nạt trên mạng, em nghĩ dự án đã tạo cơ hội để chúng em được chia sẻ những lo lắng của mình khi sử dụng Internet, được cung cấp kiến thức để trở thành một công dân số thông minh, nhằm chống lại những hiểm họa từ đây. |
ĐỒNG NGUYỆT MINH (lớp 11B Trường THPT Thực nghiệm) |
Thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Toàn, còn được nhiều học trò trân trọng gọi là “người truyền cảm hứng cho học sinh”.
Khái niệm DQ và những “công dân thông thái”
Bên cạnh chỉ số IQ (thông minh), EQ (cảm xúc) đã trở thành quen thuộc, chỉ số DQ (công dân số thông thái) được các nhóm học sinh lớp 10 Trường THPT Thực nghiệm nhắc đến nhiều trong các dự án liên quan tới mạng xã hội, mà học sinh kết hợp sử dụng kiến thức toán thống kê với các điều tra, khảo sát xã hội để thực hiện.
Trong một buổi trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận vào những ngày cuối năm học, các học sinh lớp 10 đã đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm như tình trạng bắt nạt qua mạng, xâm hại tình dục qua mạng và cách phòng chống, mua sắm trực tuyến như thế nào là thông minh...
1/4 số người trong diện điều tra cho biết họ cảm thấy an toàn, nhưng 3/4 số người cho biết họ đã gặp hoặc cảm thấy có những rủi ro. Đây là thông tin mà một nhóm học sinh lớp 10 Trường THPT Thực nghiệm chia sẻ trong dự án do mình thực hiện.
Từ kết quả khảo sát, các học sinh chia sẻ ý kiến ngay tại cuộc hội thảo trước những câu hỏi được nhóm nghiên cứu đặt ra như: “Bạn đã gặp rủi ro nào khi mua hàng online chưa?”, “Bạn xử lý sự cố này như thế nào?”, “Nếu chất lượng mặt hàng không được đảm bảo nhưng giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, bạn có mua không?”...
Đó là hàng loạt câu hỏi tưởng như đơn giản, nhưng ngay trong không gian tọa đàm của học sinh cùng các khách mời là thầy cô thì phương án trả lời cũng không đồng nhất. Những cảnh báo được nhóm học sinh chọn lọc sau khảo sát là một cẩm nang nhỏ cho những bạn trẻ tham khảo để “chung sống” với thời đại công nghệ số.
Tương tự, ở đề tài tìm hiểu vấn đề xâm hại tình dục qua mạng và cách phòng tránh, có khá nhiều vấn đề vẫn được xem là nhạy cảm được các bạn học sinh lớp 10 đặt ra để cùng thảo luận. Ví dụ với câu hỏi “Nếu có người rủ chat sex thì bạn làm gì?”, nhóm nghiên cứu thống kê có 26% trong số được khảo sát từ chối thẳng thừng, 12% đồng ý với suy nghĩ “thử cho biết”, 22% từ chối một cách nhẹ nhàng, còn 40% xóa ngay quan hệ với người đó.
Nhiều học sinh trong buổi thảo luận đã cho rằng “phản ứng mạnh, gây gổ với người đề nghị chat sex không phải giải pháp hay mà nên từ chối nhẹ nhàng, dừng liên hệ”. Nhưng ngay trong nhóm học sinh cũng có em cho rằng “cứ thử, vì qua mạng thì có mất gì đâu”, hoặc “điên lắm, em mà gặp em sẽ chửi”.
Sự đa dạng ý kiến của học sinh càng cho thấy việc tổ chức cho học sinh nghiên cứu, tranh luận và tự rút ra cách bảo vệ mình là việc rất hữu ích. Với sự giúp đỡ của thầy Nguyễn Đức Toàn, các học sinh tham dự cũng tiếp cận được với những phần mềm giúp bảo vệ không bị đánh cắp, sửa chữa ảnh trên trang cá nhân.
Trong suốt buổi giới thiệu kết quả nghiên cứu và thảo luận của học sinh, thầy Nguyễn Đức Toàn chỉ quan sát, thỉnh thoảng mới gợi ý cho học trò của mình điều gì đó.
Tham dự buổi tọa đàm, ai không biết sẽ không nghĩ anh là thầy giáo dạy toán và cách tổ chức cho học sinh nghiên cứu để trở thành những “công dân thông thái” hơn của anh không phải chỉ đơn thuần là hoạt động tìm hiểu vấn đề xã hội mà còn là toán học.
Người gắn bó với học sinh phổ thông
Tốt nghiệp thạc sĩ ngành toán ứng dụng chuyên ngành thống kê xử lý số liệu ở Pháp, có cơ hội ở lại làm việc và định cư nhưng Nguyễn Đức Toàn đã quay về nước. Ban đầu, anh được nhận vào làm giảng viên môn thống kê của Trường ĐH Y Hà Nội, nhưng sau một thời gian ngắn, một lần nữa Toàn quyết định thay đổi.
“Tôi đi qua Trường THPT Thực nghiệm và chợt nảy ý định thử xin việc ở đây. Tôi đến đưa hồ sơ và trò chuyện với một người mà sau này tôi mới biết là cô hiệu trưởng. Dĩ nhiên, tôi không thể được nhận vào làm ngay. Cô hiệu trưởng chỉ bảo tôi để hồ sơ lại và hẹn nếu cần sẽ gọi điện thoại. Ít lâu sau tôi nhận được cuộc gọi và bắt đầu việc dạy học ở Trường THPT Thực nghiệm từ đó” - thầy Nguyễn Đức Toàn cho biết.
“Việc dạy học sinh qua dự án giúp các em có nhiều kỹ năng, hiểu biết xã hội. Nhưng riêng với môn toán, tôi muốn hướng dẫn để học sinh biết cách thu thập số liệu, biểu thị số liệu bằng các hình thức, biết đọc số liệu và ý nghĩa của nó.
Ai cũng biết toán là môn học công cụ nhưng dạy toán như thế nào để ngay trong khi học phổ thông, học sinh biết được ý nghĩa, vai trò của toán trong những việc làm cụ thể, vấn đề cụ thể, giúp trả lời các câu hỏi trong cuộc sống thường ngày thì không phải ai cũng nghĩ tới” - thầy Nguyễn Đức Toàn chia sẻ.
Chính cách nhìn nhận môn toán thông qua cách dạy mới mẻ của thầy Toàn khiến nhiều học sinh bị lôi cuốn, hứng thú. Nhưng không phải ngay lập tức mà thầy Toàn tìm được tiếng nói đồng thuận từ lãnh đạo nhà trường, cha mẹ học sinh. Ban đầu thầy vẫn phải tuân thủ đúng quy định của chương trình toán học dạy trong nhà trường, đưa các dự án vào hoạt động ngoại khóa mang tính tự nguyện của học sinh. Dần dần, hiệu quả của cách dạy học này đã tạo được sự tin tưởng.
Còn nhiều điều phải thay đổi Với dự án nghiên cứu tình trạng bắt nạt qua mạng cách đây hai năm, Nguyễn Đức Toàn đã được Microsoft mời ra nước ngoài báo cáo. Đây là dự án nghiên cứu mà theo anh đã kết nối được nhiều học sinh ở các quốc gia khác nhau. Cuối năm 2015, Nguyễn Đức Toàn cũng đưa ra ý tưởng cuộc thi “Xây dựng trường học trong mơ bằng games Minecraft” trên cơ sở ứng dụng kiến thức tin học, toán học, vật lý... Trường THPT Thực nghiệm chủ trì cuộc thi này với sự tham gia của học sinh trung học ở 19 quốc gia. Tại cuộc thi này các học sinh tự thiết kế mô hình trường học mà mình mơ ước. Đây không chỉ là việc phải ứng dụng khả năng tin học, toán học, vật lý... mà qua đó còn thể hiện suy nghĩ, khát vọng của học sinh về một ngôi trường mình mong muốn có. Nói về sự lựa chọn của mình, thầy Toàn cho biết mình thích môi trường giáo dục phổ thông, nhưng thực tế dạy học cho anh thấy có rất nhiều điều phải thay đổi, trong đó thay đổi cách đánh giá học sinh, thay đổi tư duy của học sinh. |
Theo: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170512/dung-toan-de-hieu-nhung-van-de-xa-hoi/1312944.html