Những suy nghĩ trong tôi sau khi xem vở kịch "Hoa cúc xanh trên đầm lầy"

Xuân Quỳnh từng viết:
“Hoa cúc xanh có hay là không
Trong tuổi thơ anh ngày xưa.”
Xem nhanh

Phải chăng, bằng những vần thơ giàu cảm xúc của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã viết lên tác phẩm “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” để gợi lên biết bao suy nghĩ, tình cảm trong lòng người xem?


Những gương mắt háo hức của chúng tôi khi dõi theo vở kịch
 

“Hoa cúc xanh trên đầm lầy” vốn tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản về những điều nhỏ nhặt xung quanh ta, nhưng sau khi thực sự đắm chìm vào giọng nói truyền cảm, sinh động của dàn diễn viên nhà hát Tuổi Trẻ, lắng đọng trong tôi giờ đây là những suy nghĩ bồi hồi đầy chân thật về tình yêu, tình bạn và lối sống của con người ngày nay.



Một phân cảnh cảm động trong vở kịch
 

Victor Hugo từng nói, Cuộc sống là một bông hoa thì tình yêu là mật ngọt. Có thể nói rằng, tình yêu có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra tính cách của mỗi con người. Dường như chính bởi vậy, tình yêu khiến cho nhân vật Hoàng si mê trong đau khổ, làm cho tình bạn của Hoàng, Liên và Vân đứng trên bờ vực rạn nứt. Và cũng chính bởi thứ tình yêu đó, Hoàng đã toàn tâm dốc sức ngày đêm để tạo ra hai người máy giống hệt hai người bạn thân của mình. Nhưng câu chuyện chưa dừng ở nội dung của tình yêu nồng nàn nhưng âm thầm của tuổi trẻ, mà còn phảng phất trong đâu đó về tính cách con người. Nếu như hai người máy mà Hoàng tạo ra là kết tinh “từ những điều đẹp đẽ nhất, từ những phẩm chất thiêng liêng cao đẹp nhất”, thì trái lại, Hoàng vẫn chỉ là một người đàn ông không hoàn hảo với những khiếm khuyết rất đỗi bình thường. Không chỉ vậy, ta còn dường như nhìn thấy cách người và người đối xử với nhau trong xã hội thực tại qua phân cảnh tại ga tàu xe. Họ đa nghi, họ hẹp hòi và dường như chẳng có chút lòng tin nào vào chính những người xung quanh. Bên cạnh đó, cộng thêm những cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng Liên- Vân, tất cả như khiến con người hiện lên là những sinh vật tầm thường, mang trong mình đôi chút hẹp hòi, ích kỷ, vật chất và đầy thực dụng. Nhưng ẩn sâu trong đó là những nỗi đau riêng biệt, là sự thất vọng,buồn phiền, dằn vặt về cuộc sống, về chính bản thân mình. Để rồi ngay lúc còn ngồi trên khán đài, tôi chợt tự hỏi mình rằng, “Phải chăng, đây là xã hội mà ta đang phải chung sống?". Nhưng chưa để dòng cảm xúc của bản thân trở nên miên man, buổi kịch dần đi vào hồi kết khiến tôi tự tìm ra câu trả lời cho chính mình.


Một phân cảnh cảm động trong vở kịch
 

Sau những tình huống được dẫn dắt khéo léo, phân cảnh hai người máy chết đã làm tôi thực sự bật khóc. Kể cả lúc lún dưới bùn sâu, họ vẫn nói về một tuổi thơ, một quá khứ tươi đẹp, và về chính bông cúc xanh trong những giấc mơ ký ức của Hoàng. Nhưng sâu thẳm trong đó là câu chuyện thực tế về cuộc sống của những con người trẻ đang ngày đêm vật lộn và tồn tại trên thành phố, trong chốn phồn hoa đô thị nửa tốt nửa xấu. Bên cạnh đó, câu chuyện cũng dường như phản ánh lên một chân lý sâu sắc và đầy tính nhân văn về niềm tin, về hạnh phúc từ chính biên kịch Lưu Quang Vũ: “Hạnh phúc suy cho cùng mới là điều con người ta mong mỏi và chờ đợi nhất”.



Toàn thể diễn viên tham gia trình diễn
 

Buổi đi xem kịch cùng với toàn trường, được xem vở kịch đầy ý nghĩa, hư hư thực thực nhưng lại để lại trong lòng người xem đầy những suy nghĩ về cuộc sống thực tại để mỗi người sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Đây cũng chính là giá trị đích thực mà mỗi học sinh chúng tôi nhận được sau những buổi học trải nghiệm mà thầy cô và nhà trường mang lại.

Thực hiện: Hoàng Nguyễn Minh Thư – Lớp 10B