Trong tiến trình đổi mới giáo dục hiện nay, họp phụ huynh không còn chỉ là cuộc trao đổi một chiều từ nhà trường đến gia đình, mà đã trở thành một không gian kết nối – nơi phụ huynh thực sự được tham gia, được lắng nghe và được đồng hành cùng sự trưởng thành của con. Tại trường Tiểu học, THCS & THPT Thực nghiệm KHGD, tư duy ấy đã được thể hiện rõ nét qua chuyên đề “Đổi mới hình thức họp phụ huynh học sinh” dành cho toàn thể giáo viên chủ nhiệm các lớp cấp Tiểu học, diễn ra ngày 07/05/2025.
Buổi chuyên đề được dẫn dắt bởi cô giáo Đinh Thị Hồng Thúy, giáo viên chủ nhiệm lớp 4G, người đã trực tiếp triển khai một mô hình họp phụ huynh sáng tạo, nhân văn và đầy hiệu quả. Điểm nhấn của chuyên đề không nằm ở lý thuyết mà chính là một ví dụ thực tiễn – buổi họp phụ huynh lớp 4G vào thời điểm tổng kết năm học – được trình bày dưới dạng mô phỏng chân thực, có sự tham gia của tất cả các cô giáo chủ nhiệm trong vai trò “phụ huynh học sinh”.
Khác với những chuyên đề thông thường, buổi chia sẻ của cô Hồng Thúy không dùng slide hay báo cáo khô khan. Thay vào đó, cả lớp học trở thành một phiên bản họp phụ huynh thực thụ: có MC dẫn dắt, có học sinh trình bày, có cô chủ nhiệm trao đổi – và đặc biệt, có sự phản hồi trực tiếp từ các “phụ huynh” là chính các giáo viên chủ nhiệm tham gia chuyên đề. Mở đầu chương trình, những em học sinh lớp 4G như Lê Minh Anh, Đỗ Bảo, Hà Lê, Xuân Bách… lần lượt vào vai MC của buổi họp – giới thiệu chương trình bằng lời dẫn dí dỏm, gần gũi mà vẫn mạch lạc. Các con không chỉ đọc kịch bản, mà thể hiện vai trò như những “tiếp viên” trong chuyến bay 4G mang tên "Từ Tin tưởng đến Thấu hiểu", mở đầu cho một hành trình cảm xúc trọn vẹn, kết nối giữa phụ huynh – học sinh – giáo viên.
Thông qua phần trình bày của học sinh – từ nề nếp, học tập đến hoạt động thi đua – bức tranh lớp học hiện lên đầy chân thực, cụ thể và sinh động. Các con nói lên điều mình tự hào, chia sẻ cả những khó khăn và cam kết sẽ cố gắng nhiều hơn. Cách học sinh lớp 4G trình bày kết quả học tập không né tránh hạn chế, không tô hồng thành tích, mà phản ánh một tinh thần tự chủ, cầu thị và trung thực – điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng mong đợi từ con mình. Điều khiến người dự thực sự xúc động là cách cô Hồng Thúy dẫn dắt học sinh nói lên suy nghĩ thật, chia sẻ câu chuyện cá nhân, kể cả những thay đổi nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như việc học sinh từng hay khóc nay đã trở nên cứng cáp hơn, hay những chuyển biến tích cực về nề nếp, thói quen, thái độ.
Trước đây, không ít phụ huynh đến họp lớp với tâm lý lo lắng – sợ con bị điểm danh, sợ cô trách phạt, sợ nghe những lời phê bình. Nhưng với cách làm của cô Hồng Thúy, buổi họp phụ huynh trở thành một không gian mở, tích cực, đầy cảm xúc – nơi phụ huynh thấy được hành trình lớn lên của con qua từng chi tiết, từng lời nói, từng nét mặt. Không có khoảng cách giữa “người báo cáo” và “người lắng nghe”, mà là sự tương tác hai chiều, chân thành. Phụ huynh không chỉ được nghe con nói, mà còn thấy rõ cách cô giáo hiểu con, tin con và luôn tìm giải pháp cùng gia đình để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Tại buổi chuyên đề, các cô giáo chủ nhiệm các lớp cấp 1 đã không chỉ lắng nghe mà còn nhập vai – hóa thân thành “phụ huynh lớp 4G” để cảm nhận sâu sắc hơn về tâm lý, góc nhìn và mong muốn của cha mẹ học sinh. Chính sự nhập vai ấy đã làm nên điểm khác biệt: từ đó, mỗi giáo viên không chỉ tiếp nhận một mô hình hiệu quả, mà thực sự thấm được giá trị của sự đồng hành, của việc xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa gia đình và nhà trường. Chuyên đề “Đổi mới hình thức họp phụ huynh học sinh” không phải một sáng kiến đơn lẻ. Nó là bước đi nhất quán trong triết lý giáo dục nhân văn mà trường Tiểu học, THCS & THPT Thực nghiệm KHGD đã và đang theo đuổi: đặt học sinh làm trung tâm, đặt thấu hiểu lên trước phán xét, đặt sự cộng hưởng thay cho áp đặt.
Một số hình ảnh trong buổi chuyên đề:
Biên tập viên
Thành Luân