Hoạt động trải nghiệm tham vấn nghề nghiệp cho học sinh THPT tại trường Thực nghiệm

Xem nhanh

     Hướng nghiệp cho học sinh THPT ngay từ sớm sẽ giúp các em xác định lộ trình học tập rõ ràng hơn, phát triển tối đa điểm mạnh và năng lực của bản thân, biết tiết kiệm thời gian và tự tin lựa chọn ngành học phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT.

     Trong các ngày 16/5/202418/5/2024, tại Trường TH, THCS và THPT Thực nghiệm KHGD, Ban phụ huynh phối hợp với Giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1 - cô Lê Thị Thuý Vinh, đã kết nối với Công ty T&C Việt Nam đồng tổ chức các buổi toạ đàm, tham vấn với phụ huynhhọc sinh về nội dung hướng nghiệp. Tham dự chương trình có giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1, Thạc sỹ Lê Hằng - thành viên Hiệp hội Phát triển Nghề nghiệp Hoa Kỳ (NCDA), thành viên Hiệp hội Phát triển Nghề nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương (APCDA), đồng thời là Trưởng phòng tham vấn nghề nghiệp T&C Việt Nam, đặc biệt có sự tham gia của các bậc phụ huynhhọc sinh trong lớp.

Workshop "Chọn ngành, chọn nghề cho tương lai" với học sinh lớp 11A1

      Tại buổi tham vấn với học sinh 11A1, các chuyên gia đã đồng hành, hỗ trợ học sinh tìm hiểu về nhóm ngành nghề và đặc điểm của mỗi nhóm. Từ đó rút ra những điểm tương đồng về kiến thức, kĩ năng mà các nhóm cần có cùng với những nét đặc trưng, riêng biệt của mỗi nhóm nghề. Thông qua bảng liệt kê các lĩnh vực nghề nghiệp mà mình đã và đang mong muốn được làm trong tương lai, giải mã nghề bởi mật mã Holland, học sinh tra cứu nghề nghiệp theo sở thích thuộc nhóm năng lực thế mạnh của bản thân. Cùng với kết quả khảo sát về sở thích và năng lực học tập của mình, học sinh tìm ra ngành nghề mà bản thân cảm thấy phù hợp dựa trên các công cụ mà chuyên gia cung cấp. Thông qua internet HS tìm hiểu thông tin về tuyển sinh, đào tạo của ngành, của trường ĐH trong và ngoài nước mà mình đã chọn (thi tổ hợp môn nào, trường nào tuyển sinh, đào tạo các ngành học đó, …).


Giải mã nghề dựa trên mật mã Holland

 

         Khép lại nội dung buổi tham vấn với học sinh là phiên trao đổi 1 -1 giữa chuyên gia và một số học sinh có nhu cầu. Theo đó, chuyên gia đã hỗ trợ phân tích và tư vấn đối với từng trường hợp cụ thể.

Học sinh lớp 11A1 chụp ảnh kỉ niệm cùng chuyên gia

        Tại buổi Workshop với Phụ huynh lớp 11A1 "Cùng con định hướng nghề nghiệp", chuyên gia Lê Hằng đã phân tích để phụ huynh nhận thấy rằng, hướng nghiệp cho các con có thể hiểu rộng hơn là quá trình giúp cho các con có sự chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai nghề nghiệp về kiến thức, thông tin, tư duy, các kỹ năng và cả khả năng chống chịu trước những thách thức của thế giới việc làm.

 

Workshop "Cùng con định hướng nghề nghiệp" với phụ huynh lớp 11A1

       Để đồng hành cùng con trong việc lựa chọn ngành, nghề trong tương lai, bố mẹ hiểu rõ hơn về quy trình lập kế hoạch nghề nghiệp, gồm 4 bước:

              1. Nhận thức về bản thân (đặc điểm tính cách, sở thích, điểm mạnh, năng lực, giá trị, động lực, ước mơ/tham vọng)

              2. Nhận thức về các cơ hội (các nghề, các xu hướng việc làm, các ngành học, các triển vọng nghề nghiệp)

              3. Ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp và lập kế hoạch (ra quyết định, đặt mục tiêu, lập kế hoạch học tập và phát triển bản thân)

             4. Thực thi kế hoạch (học tập, trải nghiệm, tích lũy hành trang nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, ứng tuyển việc làm)

      Để có thể ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp thấu đáo và kế hoạch hành động hiệu quả, các con rất cần được trợ giúp. Sẽ rất khó để các con có thể tự nhận thức về bản thân, về thế giới việc làm, về thị trường đào tạo nếu không có sự hỗ trợ của những người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ. Nếu các con được hướng nghiệp từ sớm, các con sẽ phát triển các khả năng nhận thức về bản thân, về thế giới xung quanh sớm hơn và được chuẩn bị các kỹ năng cần thiết. Khi được bố mẹ đồng hành và các con hiểu về quy trình lập kế hoạch nghề nghiệp, thì điều dễ nhận thấy là các con trở nên tự tin hơn, có động lực hơn trong học tập và cuộc sống, có ý thức trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội hơn khi các con nhận ra mình có năng lực, có những thế mạnh riêng, và có khả năng tạo ra giá trị cho gia đình và xã hội.

     Việc giúp con nhận ra điểm mạnh không chỉ có tác dụng trong việc giúp con xác định các nghề, ngành học phù hợp với con để sau này con có cơ hội thành công cao hơn. Điều giá trị hơn cả, đó là thông qua việc nhận diện được điểm mạnh, các con có những nhìn nhận tích cực về bản thân, thấy mình có giá trị hơn. Đó cũng là động lực để các bạn dám ước mơ và phấn đấu. Các bố mẹ cũng đừng quá lo lắng nếu con không giỏi nổi trội môn học nào ở trường hoặc không có sở trường gì. Có một điều chắc chắn là ai cũng có điểm mạnh. Vấn đề là làm thế nào nhận diện và tạo điều kiện để các điểm mạnh của con được phát triển và phát huy.

Phụ huynh lớp 11A1 chia sẻ vấn đề chọn nghề với chuyên gia

       Buổi làm việc của chuyên gia với Phụ huynh lớp 11A1 càng thú vị khi bố mẹ cùng tra cứu cơ sở dữ liệu nghề và các công cụ tự hướng nghiệp trên thế giới, tham gia các bài trắc nghiệm tìm hiểu về nghề nghiệp và các loại hình trí thông minh để tìm ra sự kết nối giữa bố mẹ và con cái, từ đó hiểu rõ con mình hơn, giúp con tìm ra điểm mạnh của bản thân dựa trên 3 thông số: sở thích, năng lực, động lực nghề nghiệp.

        Thông qua hoạt động toạ đàm, tham vấn hướng nghiệp, học sinh lớp 11A1 đã biết có những nhóm ngành nghề cơ bản nào, đọc ra được sở thích nghề nghiệp và xác định được ít nhất 5 nghề có thể phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Từ đó, tìm hiểu về các ngành, các trường Đại học trong và ngoài nước có đào tạo các ngành bản thân đã chọn. Với file tài liệu làm công cụ đánh giá riêng của bản thân thu nhận được qua đợt tham vấn, khi đã có suy nghĩ chín chắn, định hình rõ hơn về hướng lựa chọn, học sinh có thể thực hiện lại các thao tác mà chuyên gia đã hướng dẫn để có thêm kênh tham khảo cho ngành nghề phù hợp với bản thân.

 

Bài viết liên quan